For page layout "Thought for the Day"

Phùng Thăng 

Thụy Khuê

 TTĐ         

 

Nghĩ Vắn Trong Ngày: Sách mới “Phản Phê Bình Trần Thiện Đạo và Thụy Khuê về dịch giả Phùng Thăng” của Trần Xuân Kiêm

Nguyễn Văn Hóa

 

Sáng nay, tôi nhận được sách tặng của nhà văn Trần Hoài Thư của tác giả Chơn Hạnh-Trần Xuân Kiêm:

“Phản Phê Bình Trần Thiện Đạo và Thụy Khuê Về Dịch Phẩm Những Ruồi của Phùng Thăng” ( Giai phẩm số 105 -Thư Quán Bản Thảo )

Chỉ mới nhìn vào tựa sách tôi đã thấy rất “đã”. Lật vào cuốn sách từ trang số 2 đến trang 180, tôi phải xác nhận đúng thiệt là “đã”. Trong một giờ, thì chỉ có thể đọc qua Mục Lục, các tiểu đề chính, tiểu đề phụ.. nhưng chưa thể đọc kỹ hết nội dung chi tiết được. Tôi tạm phác thảo một vài ghi nhận thấy rất là cần thiết phải nêu ra.

Trước hết, đây là một cuốn sách phản biện thích đáng, cần thiết của tác giả Trần Xuân Kiêm - bởi ông là phu quân của dịch giả quá cố: bà Phùng Thăng; không ai có thể hiểu rõ về thân thế, sự nghiệp và tài năng của bà hơn ông. Hơn nữa, vấn đề phê bình về dịch thuật của hai tác giả khác là Trần Thiện Đạo (đã quá cố) và Thụy Khuê về “khả năng” dịch thuật của Phùng Thăng không thể coi là vấn đề thuộc về quá khứ: Đây là yếu tố thuộc về tài năng dịch và học thuật về dịch thuật ngoại ngữ, một yếu tố của tương lai học thuật nước nhà và cho các thế hệ tiếp nối.

Cuốn sách có ba phần: Phần Một: -Lịch sử cuộc Phê bình Những Ruồi.

Phần Hai: Phản Phê bình phần Hai: Giám đốc hay Đạo Diễn và,

Phần Ba: Phản Phê bình 6: Ôi Đàn Bà! Sau “Những Ruồi”, nay lại đến “Những Thiếu Phụ”. Đây là phần cuối của Mục lục nhưng dài nhất, chiếm gần nửa số trang của cuốn sách (73 trang).

Tôi hiểu ngay, có lẽ đây chỉ là sơ thảo các đề mục và phản biện một vài chi tiết của cuốn sách, sau này nếu thấy cần thiết, tác giả TXK có thể mở rộng vấn đề và, cuốn sách có thể dày cộm lên, cỡ chừng 500 trang chẳng hạn là việc làm tương đối dễ dàng, ít tốn kém thời giờ.

Tôi xin nêu một vài thí dụ về thái độ và ngôn ngữ phản biện của tác giả TXK. Thí dụ, Phần Một. Sau khi nêu ra một số chi tiết về danh từ Việt ngữ (Target language), ngoại ngữ (Source language) và cách dịch (Methodology of translation) và hiểu biết “trật chìa” của hai nhà phê bình TTĐ và TK, tác giả TXK viết:

“Một người vì hiểu biết tiếng Việt kém [ …  , trích TTĐ Sa Đọa, tr. 74 ], một người ngoan ngoãn nghe theo lời mẹ cẩn thận dặn bảo [ “ …” -nếu vậy TK phải bác bỏ cách dịch “quên lời” của TTĐ ở trên? ] -cả hai lớn giọng phê bình PT theo kiểu hủy diệt, nên rốt cuộc không tránh được bộc lộ rõ trình độ dịch thuật, trình độ am hiểu ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích, trình độ am hiểu văn hóa, nhưng quan trọng là tư cách của một nhà phê bình có văn hóa, biết lượng sức mình, không phô trương như chỗ không người, Tiếc thay!”  (Trang 57 & 58)

Trong Phản Phê Bình Hai (từ trang 59 – 95), tác giả TXK nêu một vài kết luận thẳng thừng nhưng rất khó bác bỏ:

“Trần Thiện Đạo và Thụy Khuê thường khuyên nhủ người khác khi dịch sách “phải cẩn thận, phải trung thành với tác giả, phải hiểu sâu nguyên bản, phải v.v.. và v.v.., để rồi tự bản thân mình làm ngược lại. Hai vị nếu có cái tâm trong sáng của người trí thức, lẽ ra nên đọc kỹ bản dịch, nhìn lại ý đồ sáng tác của tác giả Sartre, và khi chưa nắm chắc điều gì, nên tra cứu kỹ lưỡng, để khỏi phát ra những chê bai dè bỉu dịch giả Phùng Thăng là cẩu thả, kém Pháp văn, lời dè bỉu đáng xấu hổ vì nó phản hồi ngược lại về phía hai vị.” (Trang 82)

Thấy đã chưa, đã chưa!! Nhưng chưa hết, mời đọc thêm vài đoạn kết luận khác trong Phần Ba (từ trang 97 – 170). Chỉ vì cách “bắt bẽ, dạy dỗ” người khác (kể cả người ấy là thiên tài về dịch thuật) về cách dịch từ “Femme” (tiếng Tây) sang tiếng Việt “Thiếu phụ” phải dịch như thế nào của TTĐ và của TK (người phụ họa), tác giả TXK thẳng thừng không cần rào đón, làm ra vẽ lể độ này kia:

“Tóm lại, cách dịch của TTĐ gặp bế tắc vì (1) Ông không hiểu kỹ từ Femme (giống như người Việt chúng ta đa số không hiểu kỹ các từ cái, con…) ; (2) Khái niệm ông sử dụng trong tiếng Việt để dịch không tương ứng với khái niệm Việt ngữ do ông sử dụng để dịch bị hạn chế, có lẽ do kiến thức về ngôn ngữ đích (tiếng Việt) của ông bị khiếm khuyết vì dịch giả rời VN khi mới 17 tuổi…” (Trang 169)

Chắc hẳn đến đây quý vị phải có cảm tưởng “đã” như tôi !? Ngôn ngữ kết luận sau khi đi vào từng chi tiết để phản biện, phải có một kết luận phải chắc nịch, phải nhớ đời như vậy mới có thể đánh động cho các nhà thích (hoặc chuyên) phê bình về dịch thuật cần ghi nhớ.. Trong trường hợp của hai dịch giả TTĐ và Thụy Khê thì không còn cần thiết nữa, vì một người thì đã qua đời, một người thì đã luống tuối -cái tuổi sống để nghiệm sinh chứ không còn là để hành động hay thay đổi. Song các thế hệ tiếp nối thì sẽ lãnh hội được một bài học về học thuật thật vô giá.

Có nói thêm lời cảm tạ tác giả TXK thì cũng bằng thừa.

Nguyễn Văn Hóa | April 17, 2023

 

 

 

 

About Hoa Van Nguyen

A retiree, living in San Diego, CA.